TỪNG CÓ MỘT NỀN “VĂN HOÁ CÀ PHÊ” SÀI GÒN – GIA ĐỊNH

Cà phê đã du nhập vào Việt Nam hơn trăm năm trước, rồi không biết từ lúc nào mà cái hương vị nồng nàn ấy lại bám trụ được trong lòng người dân Gia Định lâu đến vậy ? Bạn có biết “Văn hóa Cà phê” của Sài Gòn – Gia Định vào những năm tháng hoàng kim ấy là như thế nào không?

Cà phê “ngoại phẩm” và con đường Nam tiến
Cà phê có nguồn gốc từ phương Tây và theo chân các quý tộc người Pháp “di cư” đến Việt Nam từ những năm tháng bị đô hộ. Ban đầu “cà phê” không phải là một thức uống phổ cập mà chỉ có những tầng lớp cao quý hay tri thức nơi thành thị mới từng dùng. Vậy mà, cái vị đắng nhẹ ấy lại vô cùng quyến rũ và say mê đến lạ.
Nếu Trác Thúy Miêu ví Sài Gòn như một ả đàn bà, thì Cà phê chính là đôi môi nồng nàn, mịn ướt màu son đỏ của ả đàn bà ấy. Đôi môi ả cứ dịu ngọt và u mê. Ước chừng đó là thứ không thể thiếu được nữa. Mà trái tim của người đàn ông nào mà không thổn thức trước lời mời gọi của của một người đàn bà bao giờ. Cứ như vậy, lâu dần cà phê trở thành một biểu tượng trong văn hóa của thị dân Sài Thành.

Từng có một nền Văn Hóa Cà Phê Sài Gòn – Gia Định
Vào thời gian trước, cái thời mà chưa có những tòa nhà chọc trời hay mấy trung tâm thương mại lớn như hiện nay, đối với những người dân Sài Gòn cũ, thì cà phê nó gần gũi đến nỗi, không hề khoa trương khi gọi một tiếng Văn Hóa Cà phê Sài Gòn – Gia Định. Cũng bởi những thị dân ở đây có một cách thưởng thức rất khác.
Đặc trưng của nhịp sống thị thành là vội vã nhưng người dân thì lại muốn sống chậm hơn. Và một ly cà phê sẽ trung hòa được cả hai thứ đó. Mỗi một giọt cà phê rơi vào đáy cốc sẽ là một chiêm nghiệm khác nhau về cuộc đời. Một giọt ngẫm về cuộc sống. Hai giọt ngẫm về gia đình. Ba giọt ngẫm lại công việc. Bốn giọt ngẫm cho bản thân mình. Mà với cái rộn ràng của thị thành vào buổi sáng thì không gì có thể khiến con người ta tỉnh hơn một ngụm cà phê đắng chát, hòa quyện một chút hương hạnh nhân tan cả một thành phố rộng lớn vào trong lục giác của con người.

Thành phố Hồ Chí Minh và sự chuyển mình không hẹn trước
Huy hoàng rồi cùng qua nhanh như chính cái sự phũ phàng của thời gian và thực tại, Sài Gòn giờ đây là đã mang trong mình một cái tên khác và Văn Hóa Cà Phê cũng có sự thay đổi. Nó vẫn chậm giữa những sự hối hả nhưng đã mang một màu sắc khác, một hương vị khác, một trải nghiệm khác và những con người khác. Sài Gòn bấy giờ, không còn những căn nhà hoài niệm, những góc quán thương thân, nhưng cung đường quen thuộc nữa. Nó lạ theo cách mà không ai ngờ tới mà cũng không hề hẹn trước. Không còn những giọt cà phê rơi bên phin tí tách nữa, cũng thiếu đi sự chiêm nghiệm xưa rồi. Chỉ có vị đắng ấy là còn mãi với thời gian. Những chiếc máy pha đã thay thế những chiếc phin cũ. Sài Gòn đẹp hơn bởi sự tô điểm của những ánh đèn, còn cà phê ngon hơn bởi sự can thiệp của những chiếc cờ lê, tua – vít. Sài Gòn tự hào vì đã khoác lên mình một chiếc áo công nghệ mới, nhưng cũng nuối tiếc với những hoài niệm vốn đã bạc màu và xưa cũ.

Trước kia, chúng ta thưởng thức Cà phê cũng với tiếng xe, những bản nhạc Trịnh du dương. Còn bây giờ, chúng ta uống cà phê với những thanh âm của máy móc và tiếng còi. Không phải nó không ngon mà có lẽ nó sẽ vẫn thiếu chút gì đó rất quan trọng.

Cà phê “uống liền” – ai mua tôi bán
Sự phát triển hiện tại đã nâng tầm cho cà phê lên một tầm cao mới, văn hóa cà phê cũng được thay mới. Chỉ với một chiếc máy rang hay một chiếc máy xay cà phê thôi thì bạn đã có thể uống được cà phê rồi. Hay thỉnh thoảng cũng có thể mua của mấy cô gái đứng bán bên vệ đường luôn nêu khẩu hiệu “ Ở đây có bán cà phê”. Vậy ở đâu bán cho tôi một Sài Thành đã từng nhớ như in trong đầu?